Home » tinmung
Chủ Nhật 27 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Hab 1:2-3; 2:2-4; 2 Tim 1:6-8, 13-14; Lk 17:5-10.
1/ Bài đọc I: 2 Cho đến bao giờ, lạy ĐỨC CHÚA, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe,
con la lên: "Bạo tàn!" mà Ngài không cứu vớt?
con la lên: "Bạo tàn!" mà Ngài không cứu vớt?
3 Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?
Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.
Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.
2 ĐỨC CHÚA trả lời và nói với tôi: "Hãy viết lại thị kiến
và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy.
và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy.
3 Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành,
chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu. 4 Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình."
chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu. 4 Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình."
2/ Bài đọc II: 6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.
7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.
8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
12 Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.
13 Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy.
14 Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.
3/ Phúc Âm: 5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con."
6 Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.
7 "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi",
8 chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?
9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?
10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn và trung thành bước theo đường lối của Thiên Chúa.
Khi chứng kiến những bất công hay tai nạn xảy ra cho người vô tội, con người thường hay đặt những câu hỏi có khuynh hướng nghi ngờ uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Ví dụ, biến cố 9/11, cơn bão Katrina, hay trận động đất tại Haiti, nhiều người đặt 2 câu hỏi: (1) Nếu một Thiên Chúa uy quyền, Ngài phải ngăn cản không cho những chuyện đó xảy ra; nếu Ngài không thể ngăn cản, Ngài không có uy quyền. (2) Nếu Ngài có uy quyền mà không ngăn cản những chuyện đó đừng xảy ra, Ngài là một Thiên Chúa quá ác. Cả hai lý do đều là cớ cho họ không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa nữa!
Các bài đọc hôm nay tập trung trong 3 thái độ đe dọa đức tin cho các tín hữu và những lời khuyên cần thiết để thoát khỏi. Trong bài đọc I, con người thường có khuynh hướng bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Khi ngôn sứ Habakkuk chứng kiến những cảnh bất công xảy ra cho người lành, ông thắc mắc tại sao Thiên Chúa không ra tay tiêu diệt bọn ác nhân! Thiên Chúa trả lời: Chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, bổn phận của con người là phải kiên nhẫn chờ đợi với lòng trung thành. Thiên Chúa có thời gian của Ngài, con người không được bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Trong bài đọc II, Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải kiên nhẫn chịu đau khổ vì Tin Mừng, vì ông đã được Thiên Chúa chuẩn bị để làm chuyện đó. Khi con người mất kiên nhẫn chờ đợi và không trung thành làm theo ý Thiên Chúa, họ sẽ tự giải quyết lấy theo kiểu của họ, và sẽ phải mang lấy hậu quả khốc hại muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải biết thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa để đừng đòi quyền lợi như: nếu làm điều này thì phải được Thiên Chúa thưởng công cái này. Tất cả đều là ân huệ Thiên Chúa ban, khi con người đã chu toàn tốt lành mọi bổn phận, con người vẫn chỉ là những người đầy tớ giả sử phải làm những việc được trao phó cho mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.
1.1/ Sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?
Tiên tri Habakkuk có lẽ họat động đồng thời với tiên tri Nahum, trong thời gian từ 640-598 BC, thời kỳ lưu đày của Israel bên Assyria. Lý do vương quốc Israel bị thất thủ và vua quan cùng dân chúng bị lưu đày là tội bất trung với Chúa chạy theo các thần ngoại như tiên tri Hosea đã tuyên cáo, và tội bất công chèn ép dân nghèo như tiên tri Amos đã tuyên cáo.
Tiên tri Habakkuk đã mất kiên nhẫn chờ đợi khi thấy Assyria tội lỗi hơn Israel, tại sao Chúa lại để những đứa ác nhân như thế mặc sức chà đạp Dân Chúa và ông đặt câu hỏi với Thiên Chúa: “Từ muôn thuở, Ngài chẳng là Đức Chúa, là Thiên Chúa con thờ, là Đức Thánh của con, là Đấng Bất Tử sao? Lạy Đức Chúa, chính vì để xét xử mà Ngài đã đặt dân ấy lên. Lạy Đức Chúa là đá tảng, chính vì để thi hành án phạt mà Ngài đã cho nó được mạnh sức. Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền không thể chịu được điều gian ác, Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?”
1.2/ “Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình."
Habakkuk, cũng như Job, muốn hiểu lý do tại sao Chúa lại làm như thế. Ông nói: “Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường luỹ canh chừng xem Người nói với tôi điều gì và đáp lại nỗi bất bình của tôi ra sao!” Và Đức Chúa trả lời và nói với Habakkuk: "Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.”
Chúa có chương trình và thời giờ của Chúa, Ngài không cần ai làm cố vấn cho Ngài. Chúa có thể dùng kẻ gian ác như Assyria như cái roi để sửa phạt Israel, Ngài cũng có thể dùng quân thù khác để trừng trị kẻ cầm roi, như Ngài sẽ dùng Babylon để sửa phạt Assyria. Con người có tội không có quyền để tra vấn Chúa, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi trong đức tin ngày Chúa cất đi những hình phạt cho mình: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình."
Người nào mất kiên nhẫn rồi sinh ra bất bình với Thiên Chúa và không tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài nữa, người ấy sẽ bị ngã gục và lãnh hình phạt của những kẻ bất lương.
Người nào kiên trì trong đau khổ và nhất quyết bước theo đường lối của Thiên Chúa, người đó sẽ sống và sẽ nhìn thấy sự công thẳng của Thiên Chúa.
2/ Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
2.1/ Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Thiên Chúa không bao giờ bắt con người làm chuyện không thể, khi muốn con người làm chuyện gì, Ngài ban đầy đủ ơn thánh qua các bí tích để con người có thể làm chuyện đó. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nhắc nhở cho môn đệ Timothy những gì Thiên Chúa đã ban cho ông trong ngày lãnh nhận chức Giám-quản (episcopos): “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”
Thánh Thần của Thiên Chúa đã ban cho Timothy những ơn thánh sau đây qua việc đặt tay của Phaolô: (1) Ơn sức mạnh để sống và làm chứng cho sự thật. Lãnh đạo một giáo đoàn đòi Timothy phải có sức mạnh để dám sống và làm chứng cho sự thật giữa bao đe dọa của các thế lực ma quỉ và của thế gian. (2) Tình yêu (agapê) đến từ Thiên Chúa để ông sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên. (3) Tự chủ hay tự kỷ luật: Đây là nhân đức cần thiết cho mọi người, đặc biệt cho các nhà lãnh đạo, vì họ phải đương đầu với rất nhiều cám dỗ và phải nêu gương sáng cho các tín hữu.
Tất cả các nhân đức này được ban cho Timothy là để ông sống và làm chứng cho Tin Mừng. Phaolô khuyên Timothy: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”
2.2/ Chịu đau khổ vì Tin Mừng: Khi phải đương đầu với đau khổ, con người dễ mất kiên nhẫn và niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Phaolô cũng nhắc nhở cho Timothy hai lý do tại sao ông phải kiên nhẫn trung thành với Tin Mừng:
(1) Trọng tâm của Tin Mừng là Đức Kitô. Ngài đã chết, đã sống lại, đã hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas, và sẽ đến trong Ngày Phán Xét. Vì Đức Kitô đã sống lại, ơn cứu độ chắc chắn được ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Phaolô xác quyết: “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.”
(2) Đức Kitô vẫn đang hoạt động nơi người rao giảng qua Thánh Thần: Tuy Đức Kitô không còn công khai hoạt động, nhưng Ngài vẫn liên kết với các môn đệ qua sự hoạt động của Thánh Thần. Bổn phận của những người rao giảng là phải lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần và trung thành với Tin Mừng được lãnh nhận.
3/ Phúc Âm: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
3.1/ Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi: Để hiểu ý nghĩa câu truyện dẫn chứng của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu. Chúa Giêsu kể cho các môn đệ một câu truyện thực tế, để các ông luôn biết nhận ra vai trò của mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa: "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không hối hận vì đó là đầy tớ của ông; hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn nghĩa, vì đó là bổn phận của đầy tớ phải làm.
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, nhưng tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ giúp mình.
Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hoàn tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Lucas: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá thương yêu con người mà thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác tín, để rồi đừng bao giờ bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi mình cầu xin, hay ngã lòng không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.
3.2/ Cần có một đức tin vững mạnh: Đức tin của con người rất yếu kém và dễ bị lung lay giữa bao cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Điều cần là con người phải nhận ra điều đó và cầu xin như các Tông Đồ hôm nay: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con." Tuy nhiên, ngoài việc cầu nguyện, con người còn phải luyện tập bằng cách kiên trì trong những đau khổ; nếu không chịu tập luyện, đức tin dần dần sẽ mất.
Một đức tin vững mạnh sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy các tông đồ: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây vả này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần biết thân phận của mình chỉ là loài thọ tạo hèn hạ. Đừng bao giờ làm quân sư hay cố vấn cho Thiên Chúa, hay bắt Thiên Chúa phải làm theo ý định “khôn ngoan” của mình.
- Bổn phận của con người là khiêm nhường làm theo những gì Thiên Chúa dạy, trung thành trong ơn gọi, và kiên nhẫn đợi chờ. Vội vàng quyết định bất trung sẽ tự chuốc cho mình và gia đình những thảm bại cả đời này và đời sau.
- Khi bị cám dỗ để trách Chúa, nghi ngờ Ngài, hay nguy cơ bị đánh mất đức tin, hãy cầu nguyện như các tông đồ: “Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho con.”
You may also...